Nên dùng xăng gì cho xe Vespa và Piaggio
Chỉ số Octan của xăng
Các con số đứng sau tên gọi của xăng như A90, A92, A95 hay Mogas90, Mogas92, Mogas95 dùng để thể hiện chỉ số Octan của loại xăng đó. Một cách tổng thể, chỉ số Octan càng cao, xăng có chất lượng càng cao và ngược lại. Chất lượng của xăng ở đây thể hiện bằng mức độ chống kích nổ, bởi để động cơ hoạt động tốt, không có tiếng lục cục, hòa khí gồm nhiên liệu - không khí phải cháy đúng thời điểm, cháy đều (không nổ cục bộ) và cháy hết.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự vận hành của động cơ như độ sạch của bu-gi, thời điểm đánh lửa, vận hành của các van nạp/xả, cấu trúc động cơ. Các nhà sản xuất có thể quyết định được những đặc tính trên. Chỉ có một yêu cầu về chất lượng nhiên liệu là các hãng không thể tự quyết định nên họ thường khuyến cáo khách hàng dùng loại nhiên liệu nào. Sau khi thử nghiệm với nhiều dạng động cơ và nhiều loại xăng có chỉ số Octan khác nhau, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận lựa chọn chỉ số Octan dựa trên tỷ số nén của mỗi loại động cơ.
Dù kết quả cho thấy với những xe có tỷ số nén từ 9:1 trở lên là phải dùng xăng A95 nhưng trên thực tế, do có những ảnh hưởng khác mà các nhà sản xuất thường khuyến cáo xe có tỷ số nén trên 10:1 mới nên sử dụng xăng A95. Còn với hai loại xăng bán trên thị trường hiện nay là A90 và A92, các xe gắn máy có tỷ số nén từ 7:1 đến 10:1 đều có thể hoạt động một các trơn tru nếu đảm bảo được các thông số kỹ thuật khác như tình trạng sạch sẽ của động cơ, vị trí chốt lửa và thông số quán tính vận hành Run-on (Run-on là thuật ngữ dùng để chỉ xu hướng tiếp tục hoạt động của động cơ khi ngắt nguồn điện bu-gi, nếu quán tính này càng lớn, động cơ càng dễ bị kích nổ).
Như vậy với những xe máy thông thường như Honda Future (tỷ số nén 9,3), Wave (9), Super Dream (9), Yamaha Classico (8,8), Nouvo (8,8) hay Sirius, Jupiter (9,3) người sử dụng hoàn toàn yên tâm với xăng A92. Nếu muốn, khách hàng có thể mua xăng A95 nhưng vấn đề ở đây là tính kinh tế, trong khi động cơ xe vận hành không khác biệt bao nhiêu. Xăng A95 đắt hơn (khoảng 300 đồng/lít) và không phải cây xăng nào cũng bán loại này.
10 bước bảo dưỡng chủ xe cần biết
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng chỉ cần đổ xăng cho xe và đi cho đến khi xe bị...hỏng nặng. Hãy lưu ý các mốc bảo dưỡng sau để xe bạn luôn vận hành tốt.
Bảo dưỡng hàng tháng:
Bước 1: Kiểm tra áp suất hơi vỏ lốp. Nếu áp suất không đủ, dễ dẫn tới hiện tượng dập bố khi chạy với tốc độ cao, khiến cho vỏ lốp hỏng hoàn toàn. Phải kiểm tra chống đứng, chống ngang, các gác chân đảm bảo phải được bôi trơn tốt và vững vàng.
Bước 2: Kiểm tra tiếng động phát ra từ động cơ nhằm phát hiện các tiếng động lạ thường - biểu hiện của các hỏng hóc trong động cơ. Kiểm tra tình trạng bugi. Nếu màu nâu sẫm, động cơ hoạt động tốt; màu đen, hoặc trắng sáng cho thấy động cơ hoạt động không đạt hiệu quả tối ưu, cần phải điều chỉnh. Khói thải động cơ màu đen, có thể nhiên liệu không cháy hết. Khói thải màu trắng, có thể nhớt lọt vào buồng đốt, những hiện tượng này đều biểu hiện các hỏng hóc của động cơ, rất cần điều chỉnh, sửa chữa kịp thời để tránh kéo theo những hỏng hóc lớn hơn.
Bước 3: Kiểm tra nhớt cũ và thay nhớt nhằm đảm bảo động cơ luôn được bôi trơn tốt nhất, kéo dài tuổi thọ của động cơ.
Nhóm bảo dưỡng định kỳ 3 tháng:
Bước 4: Kiểm tra hệ thống điện trên xe: Theo thời gian, mức độ phát điện của xe sẽ giảm dần do sức nóng của động cơ, hoặc do các tác nhân bên ngoài như ngập nước. Việc kiểm tra nhằm bảo đảm khả năng nạp điện cho ắc quy, khả năng khởi động của động cơ, hệ thống điện đánh lửa hoạt động ở trạng thái tốt nhất, giúp duy trì khả năng tiết kiệm nhiên liệu của động cơ.
Bước 5: Kiểm tra ắc quy nhằm bổ sung điện dịch, sạc bổ sung, quan sát các hiện tượng bất thường như điện dịch bị rò rỉ, muối đóng trên cọc bình nhằm nhanh chóng khắc phục, tránh các tác hại lớn hơn.
Bước 6: Kiểm tra hệ thống xích truyền động. Xích là bộ phận dễ bị đất cát bám vào, dẫn tới làm mòn nhanh chóng dĩa và nhông. Kiểm tra xích đúng sẽ giúp bôi trơn kịp thời, nên cần bổ sung nhớt thường xuyên.
Bước 7: Kiểm tra khả năng truyền động của bộ ly hợp.
Bước 8: Kiểm tra hệ thống phanh xe. Sau một thời gian sử dụng, cần vệ sinh bên trong đùm xe để tránh bụi bám quá dày, giảm hiệu quả khi phanh. Hệ thống bạc đạn cũng cần được kiểm tra thường xuyên, bổ sung mỡ bôi trơn phù hợp khi cần thiết.
Nhóm bảo dưỡng định kỳ 6 tháng
Bước 9: Kiểm tra và vệ sinh bình xăng con nhằm làm sạch các tạp chất bám trong bình xăng con. Duy trì khả năng chế hòa khí tối ưu, góp phần không nhỏ trong việc giảm lượng nhiên liệu tiêu hao. Cần vệ sinh bình xăng lớn để tránh hiện tượng đọng nước trong bình lâu ngày có thể dẫn tới bình xăng bị lủng do gỉ sét. Vệ sinh hệ thống lọc gió, đảm bảo khả năng cung cấp đủ không khí cho động cơ, giúp động cơ ít tiêu hao nhiên liệu.
Nhóm bảo dưỡng định kỳ 1 năm
Bước 10: Kiểm tra và chống sét niềng xe, sườn xe, tránh hiện tượng mục sườn rất nguy hiểm. Bước này nên thực hiện ngay sau khi mùa mưa mới bắt đầu hoặc vừa kết thúc. Kiểm tra hệ thống tay lái, phòng khi bị lỏng, bạc đạn bị vỡ, dễ dẫn tới nhiều sự cố nguy hiểm. Tuy nhiên trước mỗi chuyến đi xa, hoặc sau mỗi lần đi qua các con đường ngập nước, bạn nên cho kiểm tra tổng quát một lần. Hoặc mỗi khi phát hiện ra các bất thường trên xe, bạn nên cho kỹ thuật viên kiểm tra ngay, nhằm tránh các hỏng hóc lớn hơn.